Lượt xem: 32656

Các Mác - “Tên tuổi Người, sự nghiệp của Người sống mãi nghìn thu!”

Nói về Mác, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Chủ nghĩa Mác rất cao, rất rộng. Những người cách mạng phải học tập chủ nghĩa Mác. Nhưng có thể nói một cách tóm tắt là chủ nghĩa Mác dạy chúng ta phải tuyệt đối trung thành với Đảng, phải hết lòng hết sức phục vụ giai cấp công nhân. Mác dạy chúng ta: Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại! Lênin người học trò thiên tài của Mác bổ sung thêm: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại! Hai câu khẩu hiệu đó là những ngọn cờ vĩ đại dẫn giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức đến thắng lợi hoàn toàn”.

 

    Các Mác (Karl Heinrich Marx) sinh ngày 05/5/1818 tại Triơ, thành phố Rê-na-ni, thuộc nước Phổ xưa (nay là nước Ðức). Sau khi tốt nghiệp Trung học, Mác vào học Đại học Tổng hợp ở Bon, rồi sau đó học ở trường Đại học Tổng hợp Béc-lanh. Mác học luật, lịch sử và triết học.


Karl Heinrich Marx

    Tháng 10/1842, Mác trở thành chủ bút của Báo Rê-na-ri của giai cấp tư sản cấp tiến ở Đức. Trong các bài báo, Mác đã phê phán các chính phủ đương thời ở Đức, Anh, Pháp và bênh vực quyền lợi của nông dân, phát biểu những tư tưởng triết học của mình.

    Tháng 10/1843, Mác đến ở Paris (Pháp), tiếp tục viết báo, đến tháng 9/1844, Mác gặp Ăng-ghen. Tình bạn vĩ đại và cuộc đấu tranh chung của hai người cho sự nghiệp của giai cấp công nhân bắt đầu từ đây. Ca ngợi tình bạn vĩ đại giữa Mác với Ăng-ghen, Lê-nin viết: “Chuyện cổ kể lại những tấm gương rất cảm động về tình bạn. Nhưng giai cấp vô sản châu Âu có thể nói rằng khoa học của mình đã do hai nhà bác học và chiến sĩ ấy sáng tạo ra, những quan hệ cá nhân giữa hai người đã vượt tất cả những chuyện cổ cảm động nhất của người xưa nói về tình bạn” (Mác - Ăng-ghen, chủ nghĩa Mác).

    Các Mác và Ăng-ghen tích cực tham gia sinh hoạt với các nhóm cách mạng ở Paris. Hai ông đấu tranh quyết liệt chống mọi thứ học thuyết của chủ nghĩa xã hội tư sản và tiểu tư sản, đồng thời đã sáng lập ra lý luận và sách lược của chủ nghĩa xã hội vô sản cách mạng, hay là chủ nghĩa cộng sản. Năm 1845, Mác bị trục xuất khỏi Paris vì bị coi là một nhà cách mạng nguy hiểm. Mác sang ở Bruy-xen (nước Bỉ).

    Mùa Xuân 1847, Mác và Ăng-ghen gia nhập Liên minh những người cộng sản. Đó là tổ chức đầu tiên mang tính chất quốc tế của phong trào công nhân, gồm nhiều nhà lãnh đạo của các hội công nhân ở Đức, Anh, Pháp, Bỉ, Hung-ga-ri, Ba-lan… Theo yêu cầu của Đại hội lần thứ hai của Liên minh họp vào tháng 11/1847 ở Luân Đôn (nước Anh), Mác và Ăng-ghen thảo bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, xuất bản tháng 02/1848. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là văn kiện đầu tiên có tính chất cương lĩnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.


Lênin-Ăng-ghen-Mác

    Năm 1848, Mác bị trục xuất khỏi nước Bỉ và về ở Paris, rồi về ở Đức, xuất bản tờ Báo Rê-na-ni mới. Bị truy tố trước tòa án, Mác lại bị trục xuất và sang ở Paris. Tháng 6/1849, Mác lại bị trục xuất khỏi Paris và sang ở Luân Đôn cho đến khi mất. Ở Luân Đôn, Mác viết các tác phẩm tổng kết kinh nghiệm các cuộc đấu tranh cách mạng ở Pháp từ 1848 - 1851, các tác phẩm về triết học, về chính trị kinh tế học. Năm 1867, quyển đầu tiên của bộ Tư bản ra đời, đây là bộ sách gối đầu giường của những người vô sản giác ngộ.

    Bộ Tư bản nêu ra lý luận về sự phát sinh, phát triển và diệt vong của chủ nghĩa tư bản; nó chứng minh bằng lý luận hết sức chặt chẽ và chính xác “lịch sử đẫm máu của chủ nghĩa tư bản”, sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa tư bản, sự thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa cộng sản. Bộ Tư bản xây dựng cơ sở lý luận khoa học cho chủ nghĩa xã hội, làm cho chủ nghĩa xã hội từ chỗ là “chủ nghĩa xã hội không tưởng” của các nhà tư tưởng trước Mác trở thành “chủ nghĩa xã hội khoa học”. Bộ Tư bản là ngọn đèn pha soi sáng cho cách mạng vô sản thế giới, vũ trang cho giai cấp vô sản lý luận và niềm tin không gì lay chuyển nổi về sứ mệnh lịch sử của mình, về sự tất thắng của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới.

    Các Mác không chỉ là một nhà tư tưởng, nhà bác học thiên tài, mà còn là nhà cách mạng vĩ đại. Sinh ra tại nước Ðức giàu truyền thống cách mạng và bôn ba hoạt động ở nhiều nước Tây Âu, Mác tận mắt chứng kiến sự bần cùng của những người lao động làm thuê và sự bất công của xã hội tư bản. Với trái tim nhân hậu thấm đượm tinh thần nhân văn cộng sản và nhiệt huyết cách mạng, Người đã hiến dâng trọn cuộc đời mình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

    Chính bằng hoạt động trực tiếp trong phong trào công nhân, Mác đưa lý luận thâm nhập vào phong trào, biến lý luận thành lực lượng vật chất to lớn, thúc đẩy cách mạng và sự phát triển của xã hội. Kiên định một cách nhất quán lập trường cách mạng, Mác không bao giờ lùi bước, khuất phục trước sức ép của chính quyền tư sản, đồng thời cũng kiên quyết chống lại mọi biểu hiện giáo điều, cơ hội, xét lại phản bội lý tưởng, mục tiêu cách mạng, đi ngược lại nguyên tắc, quyền lợi của phong trào công nhân. Người chỉ rõ, phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn cụ thể mà đề ra mục tiêu cách mạng phù hợp, giữ vững nguyên tắc nhưng mềm dẻo về phương pháp và linh hoạt về hình thức đấu tranh.

    Cuộc đời chiến đấu quyết liệt và không mệt mỏi chống mọi kẻ thù của giai cấp vô sản, chống lại các thứ trào lưu tư tưởng không vô sản và chống vô sản, sự làm việc rất khẩn trương mà công tác lý luận đòi hỏi, sự nghèo khổ của cuộc sống lưu vong cộng với bệnh tật và những đau thương trong gia đình làm cho sức khỏe của Mác ngày càng suy yếu. Ngày 14/3/1883, Mác yên giấc nghìn thu trên chiếc ghế bành, trước bàn làm việc.

    Đối với dân tộc ta, lãnh tụ Hồ Chí Minh, với thiên tài trí tuệ và sự kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc đã sớm tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta. Người cùng với Đảng ta đã xây dựng đường lối cách mạng, lãnh đạo dân tộc đi từ cách mạng giải phóng dân tộc, chống đế quốc xâm lược, thống nhất đất nước, tiến lên xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Nói về Mác, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Chủ nghĩa Mác rất cao, rất rộng. Những người cách mạng phải học tập chủ nghĩa Mác. Nhưng có thể nói một cách tóm tắt là chủ nghĩa Mác dạy chúng ta phải tuyệt đối trung thành với Đảng, phải hết lòng hết sức phục vụ giai cấp công nhân. Mác dạy chúng ta: Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại! Lênin người học trò thiên tài của Mác bổ sung thêm: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại! Hai câu khẩu hiệu đó là những ngọn cờ vĩ đại dẫn giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức đến thắng lợi hoàn toàn”.

    Cuộc đời và sự nghiệp của Mác đã hòa hợp một cách hữu cơ những đặc điểm của một nhà bác học vĩ đại, nhà nghiên cứu không biết mệt mỏi, người phát hiện đầu tiên những chân lý khoa học, nhà chính luận cách mạng nồng nhiệt, một nhà chiến lược và sách lược vô sản sáng suốt, một nhà lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng quần chúng vô sản. Ở Mác nổi bật về đức tính cao cả của con người, giản dị, nhiệt tình và yêu đời, có ý chí bất khuất và năng lực lao động khác thường, can đảm và anh dũng.

    Cuộc đời và hoạt động của Mác đã đi vào lịch sử nhân loại với vị trí nổi bật trong hàng ngũ những vĩ nhân, đúng như Ăng-ghen nói: “Tên tuổi Người, sự nghiệp của Người sống mãi nghìn thu!”.

Quốc Hùng

* Tài liệu tham khảo:

1. PGS.TS. Doãn Chính - PGS.TS. Đinh Ngọc Thạch (Đồng chủ biên), Vấn đề triết học trong tác phẩm của C.Mác - Ph.Ăngghen - V.I.Lênin, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2016.

2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 2016, t10.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 52
  • Hôm nay: 6080
  • Trong tuần: 76,787
  • Tất cả: 11,800,107